- Giới thiệu về loại văn bản sắc phong: Sắc, sắc phong là các loại hình tài liệu có tính cách hành chính của các triều đại quân chủ Việt Nam, và có vị trí quan trọng trong kho tàng di sản ván hoá Hán Nôm Việt Nam. Vào thời Nguyễn (1802 – 1945) có các loại văn bản hành chính có tính chất quản lý nhà nước được xếp từ cao đến thấp có thể kể một cách khá đầy đủ như: luật, chiếu, lệ, lệnh, chỉ, dụ, sắc, biểu, tấu, sớ cũng như các loại công văn khác (truyền thị, giáo thị, tư di, trát, tờ bẩm, tự trình v.v. ), các loại sổ sách (hộ tịch, địa bạ, duyệt tuyển v.v.).
Qua các thể chế của triều Lê, Nguyễn với những quy định về Sắc, Sắc phong, chúng ta có thể nhận thấy tính phong phú và đa dạng ở loại hình văn bản hành chính. Các văn bản này cũng đã được thể chế hoá, mẫu hoá thống nhất từ hình thức đến nội dung văn bản.
- Về mặt khoa học: Sắc phong là loại hình tài liệu đặc biệt quan trọng và quý giá của di sản Hán Nôm – di sản văn hóa Việt Nam. Các sắc phong thời Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa, xã hội và mỹ thuật giai đoạn 1802-1945, góp phần giúp các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau nghiên cứu về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam. Sắc phong thời Nguyễn chủng loại phong phú: Sắc văn dùng để ban cấp cho các quan văn võ lớn nhỏ được bổ dụng hay cách chức. Sắc thư được cấp cho tôn khanh, chức quan ở Phủ Tôn Nhơn trở lên và Thống quản, Thị vệ đại thần, Cơ mật viện đại thần, Sử quán tổng tài, quan đại thần Thị vệ hộ giá, các quan Thượng thư, Thống chế, Tổng đốc, Tuần phủ, Đề đốc mới được thăng bổ hay điều động, các Chánh phó khảo trường thi, Khâm sai kinh lược, các Bố chánh, Án sát, Lãnh binh của các tỉnh không có Tổng đốc, Tuần phủ… Sắc phong thần gồm sắc phong Thiên thần, sắc Nhiên thần và sắc phong Nhân thần (là người có công lập làng, lập đất hay có công lao đặc biệt, được tôn vinh thành Thần để nhân dân thờ tự). Ngoài ra còn có sắc phong cho nhân vật có công với nước hay những người trung nghĩa, đạo đức dưới thời các vua Nguyễn. Cũng trong thời kỳ này, việc ban sắc để ghi nhận, tôn vinh Thành hoàng của các làng xã rất được coi trọng và là hiện tượng rất phổ biến trong toàn quốc. Vì thế sắc thần là một loại hình văn bản Hán Nôm quan trọng trong hệ thống văn bản Hán Nôm hiện còn ở các làng xã hiện nay. Sắc phong là loại hình văn bản gốc có niên đại cụ thể, chi tiết đến ngày, tháng, năm cho phép chúng ta khẳng định rõ về phong cách mỹ thuật, thể chữ, chất liệu giấy của từng thời kỳ lịch sử, được thể hiện trên từng đạo sắc cụ thể. Về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa của sắc phong là điều tồn tại tất yếu. Tuy vậy, theo thực tế thời gian và do nhiều nguyên nhân nên nguồn tài liệu quý giá này vẫn chưa được bảo vệ và nghiên cứu về mặt Lịch sử một cách đầy đủ tương xứng với tầm quan trọng của nó trong quá trình dựng nước, giữ nước.
- Về mặt thực tiễn: Việc sưu tầm sắc phong triều Nguyễn là một công việc có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sâu và chuyên biệt về văn hóa, lịch sử, xã hội, văn học nghệ thuật thời các vua Lê, chúa Nguyễn (1802-1945) thông qua một loại hình văn bản đặc biệt; nó cũng góp phần làm sáng tỏ thêm về cơ chế hành chính của vương triều Nguyễn và đời sống dân tộc, lịch sử địa phương, sinh hoạt tinh thần làng, xã và cả việc tưởng niệm, thờ phụng, phong tặng, biểu dương các tập thể, cá nhân có công trạng giúp nước, che chở, bảo vệ, tạo nên cuộc sống no đủ cho nhân dân. Việc sưu tầm, nghiên cứu sâu về các văn bản sắc phong, chiếu chỉ, … nầy cũng đã góp phần rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử địa phương, bởi địa danh được ghi rõ ràng ở đầu sắc, đó là những thông tin quan trọng xác định sự thay đổi tên làng, tên xã qua các thời kỳ, góp phần nghiên cứu tên gọi địa danh hành chính (làng, xã, phủ, huyện) dưới thời Nguyễn. Đây cũng là một phần sưu tầm về Ông Trần Cẩm nói riêng góp phần vào bộ sưu tập đầy đủ hơn về sắc phong dưới triều Nguyễn được phiên âm, dịch nghĩa, chú thích rõ ràng, nên có gía trị tham khảo cao. Loại hình văn bản này còn có giá trị nghiên cứu rất lớn về các nhân vật lịch sử, quan lại dưới triều Nguyễn.
- Về mặt ứng dụng: Đây là nội dung tài liệu có tính ứng dụng cao, có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo hữu ích khi nghiên cứu về nhân vật, địa danh, văn hoá ở Quảng Ngãi nói riêng và rộng hơn là nghiên cứu về những đặc điểm văn bản quản lý hành chính cũng như bộ mặt hành chính triều Nguyễn. Tất cả các sắc phong sưu tầm được đều được cố định hoá tư liệu với hình thức lưu trữ bản ảnh; số hoá bằng phương tiện tin học, thể hiện nội dung ngôn ngữ Hán Nôm phiên âm, dịch nghĩa sang tiếng Việt.
Với những giá trị nội dung về nhiều mặt đã nêu trên, hy vọng bài viết này sẽ thu hút được với đa số con cháu Họ Trần Tiền Hiền Thi Phổ, Mộ Đức, Quảng Ngãi nói riêng và nhiều nhóm đối tượng tham khảo, nghiên cứu có cùng sở trường.
BAN BIÊN TẬP WEBSITE
- Trần Như Thế
Sdt:/Zalo: 0944 514 207
Mail: tntpgdmoduc@gmail.com - Trần Như Dưỡng
Sdt/Zalo: 0903 711 755|
Mail: plywood.phucthanh@gmail.com - Trần Như Chương
Sdt/Zalo: 096 898 2369
Mail: chuong401968@gmail.com
Văn phòng thường trực tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam
Địa chỉ: Trần Như Bích 144C Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0906 842 586