– Di tích mộ và nhà thờ Trần Cẩm là một quần thể gồm 3 điểm di tích cùng nằm trên địa bàn phía đông nam huyện Mộ Đức:
+ Mộ Trần Cẩm (Mộ Thuỷ tổ) tại thôn Hoài An, xã Đức Chánh;
+ Nhà thờ Trần Cẩm (Từ đường Thủy tổ) tại thôn Phước Thịnh xã Đức Thạnh;
+ Nhà thờ 4 người con trai (có thờ vọng song thân) tại thôn 1, xã Đức Tân.
– Cả 3 di tích đều nằm trên vùng đất do chính Trần Cẩm chủ trương và đôn đốc khai phá lúc sinh thời.
![]() |
![]() |
![]() |
Nhà thờ Trần Cẩm (Từ đường Thủy tổ Trần tộc Tiền hiền), toạ lạc tại làng Thi Phổ Nhì, nay là thôn Phước Thịnh, Đức Thạnh, nằm phía nam đường liên xã từ cầu Phước Thịnh (quốc lộ số 1) đi bãi biển Minh Tân Nam (xã Đức Minh), cách quốc lộ chừng 1 km, do con cháu tộc Trần. Nhà thờ xây dựng lần đầu năm 1725, xây dựng lại cuối thế kỉ XIX và lần đại tu cuối vào năm 1938 thay tường ván bằng tường gạch, vôi vữa, mật và bộ khung gỗ trong bằng cột giả gạch; thay hàng cột hiên trước bằng tường chắn mái với cửa vòm. Từ đường nằm ở trung tâm khu đất thoáng đãng, mặt tiền quay về hướng đông, phía trước có bình phong và nhà bia tưởng niệm. Nhà thờ có diện tích hơn 100 mét vuông, kết cấu tường chịu lực, xây bằng gạch bản lớn và tam hợp chất, mái lợp ngói. Nội thất ngôi nhà chia làm 3 gian, bố trí 5 án thờ, trung tâm chính điện là án thờ thuỷ tổ Trần Cẩm.
Nhà thờ cũng là nơi lưu giữ các sắc phong, võng, lọng, đao, kiếm mà triều đình ban tặng cho ông. Vào dịp tế tự (ngày tiết thanh minh và ngày tiết đông chí), hòm sắc phong và các tế vật quý báu được các bậc cao niên trong dòng tộc mở ra cho con cháu xem, giảng giải ý nghĩa, nhắc nhở công đức Thuỷ tổ, khuyên răn hậu thế noi theo gương sáng của tiền nhân. Trần Cẩm còn được thờ vọng tại Từ đường Biệt tổ Tứ phái, toạ lạc tại làng Thi Phổ Nhất, nay là thôn 1, xã Đức Tân, phía đông quốc lộ số 1.
Đây là nhà thờ 4 người con trai, đứng đầu bốn chi phái hậu duệ và cũng là những người kế tục sự nghiệp khai hoang lập ấp của Thuỷ tổ Trần Cẩm.
Nhà thờ được xây dựng năm 1820 tại làng Địa Thi, được trùng tu năm 1941, đây là một công trình kiến trúc nhà ở rất độc đáo với hệ thống chịu lực gồm 24 cột gỗ mít (8 cột cái, 16 cột quân), 4 vì kèo chồng rường chày cối, cùng hệ thống cửa bàn khoa, trần khuôn liệt bản, chạm khắc công phu, sinh động theo các chủ đề tứ quý, tứ linh, bát bửu, cá chép hoá rồng, rùa đội kiếm, dơi ngậm quả đào, chữ phúc, chữ thọ…
Lăng Mộ Ngài Trần Cẩm yên vị trên một vồng đất cao giữa cánh đồng Cù lao Bàu Súng, thuộc thôn Hoài An xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Mộ hình chữ nhật dài 25 m, rồng 10 m gồm có thành Mộ và huynh. Thành xây theo kiểu lang cang vũ trụ cao 1,1 m, dày 0,4 m cách đều nhau.
Mộ xây kiên cố bằng đá ong to bản, từ ngoài nhìn vào phía trước có 2 trụ biểu cao 2,5 m, cách bình phong 4 m; bình phong xây kiểu cuốn thư cao 1,8 m, rộng 1,95 m trang trí Long- Phụng theo kiểu hiệp quyển, 2 bên xây nổi 2 con dao. Các trụ thành đều có câu đối khắc ghi công đức của Ngài Trần Cẩm.
Sau bình phong là cổng vào Lăng Mộ.
Nhà bia xây cao 3 m, rộng 2 m mái cổ diềm, trang trí cuốn thư, hoa văn dây leo. Văn bia cao 1,1 m, rộng 0,7 m bằng đã non nước, trang trí theo kiểu lưỡng long tranh châu. Trong bia ghi chức vụ của Ngài: “ Đác tấn Phụ Quốc Thượng tướng quân, Chánh Khám lý Quản Nham Hầu “ và tạc: “ Hoàng triều sắc phong: Tiền khai khẩn Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần “ .
Sau nhà bia 3 m là huynh mộ dài 4,6 m, rộng 4,2 m hình bầu dục
Bên ngoài thành mộ, về phía đông nam, có cây trâm cổ thụ hàng trăm tuổi. Chếch về phía đông nam chừng 20 mét là khu mộ song thân ông, thẳng về phía đông 50 mét là mộ người con trai trưởng – Xuân Lãnh hầu Trần Như Trân, xa hơn, chừng gần 2 cây số về hướng đông bắc là mộ người con thứ – Thới Sơn hầu Trần Như Châu. Là người uy danh trọng vọng, chức tước hàng đầu một phủ, lại có công rất lớn trong việc kinh dinh.
Lăng mộ nầy là một điển hình của kiến trúc lăng mộ đương thời, là bằng chứng đỉnh cao kiến trúc lăng mộ ở Quảng Ngãi và thật hiếm hoi còn lại đến ngày nay.
Trần Cẩm nổi tiếng “công pháp vô tư”, gần gủi và thấu đạt nguyện vọng của người dân. Khi về trí sĩ ông hầu như không có sản nghiệp riêng, ngoài phần đất công điền do xã cấp, thật đúng như câu đối tại nhà thờ:
生 良 將 死 福 神 英 灳 萬 古
鄉 前 賢 族 始 祖 崇 拜 仟 秋
Sanh lương tướng, tử phúc thần, anh linh vạn cổ;
Hương tiền hiền, tộc thủy tổ, sùng bái thiên thu
Sống làm lương tướng, chết làm phúc thần, thiêng liêng muôn thuở;
Làng là tiền hiền, họ là thủy tổ, thờ cúng nghìn thu. (Lê Hồng Long dịch)
Di tích mộ và nhà thờ Trần Cẩm đã được:
– UBND tỉnh Quảng Ngãi đã căn cứ vào phổ liệu công nhận Mộ và nhà thờ Trần Tiền hiền là Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số: 1881/QĐ-UBND, ngày 25/10/1993
– Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia tại quyết định số:1543/QĐ/VH ngày 18/6/1997.(cập nhật 05/4/2015)
Lăng Mộ và Từ đường của Ngài Thủy Tổ Trần Tiền hiền được Bảo tàng Quảng Ngãi đánh giá như sau:
“ Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm là một công trình kiến trúc, có niên đại còn lại duy nhất ở Quảng Ngãi nên rất có giá trị về lịch sử, nghệ thuật. Đặc biệt là Nhà thờ ở Đức Tân vẫn còn nguyên vẹn vóc dáng ban đầu, như một công trình vĩnh cửu, ở đó đầu các bộ vì kèo được chạm khắt sắc sảo, độc đáo mang đặc trưng Nhà Rường nguyên bản gốc còn lại ở Quảng Ngãi có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao.
Xét về mặt lịch sử, mỗi công trình ở đây còn là một phần trong lịch sử buổi đầu khai phá vùng đất Quảng Ngãi, mang dấu ấn từ thời khai phá mở đất lập làng”
Nhờ Phổ hệ truyền đời nên con cháu đến thế hệ thứ 19, 20 vẫn nhận biết quan hệ huyết thống, thế bậc, ngôi thứ trong xưng hô, đoàn kết giúp đỡ nhau trong công tác họ, công tác xã hội.
Tại quê hương con cháu Tộc Trần Tiền hiền sống dàn trải theo các cụm, khu dân cư theo các vùng, thôn, xã,… như: Phước Thịnh, LNB, LNN, Đôn Lương, xóm 6, Gò Đỗ, xã Đức Thạnh; Phước Hội, Phước Khánh, Phước Nam, cây Gạo, Đá bàn, Đồng Cát, thôn 1, thôn 2, 3, 4 xã Đức Tân, thôn 5, 6, 7 thị trấn Mộ Đức; Đạm Thủy, Minh Tân xã Đức Minh; Thôn 1, 2, 3, 4, 5, 6,.. xã Đức Chánh; Châu Me, Lâm Thượng,…. xã Đức Phong; ngoài huyện như: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi,..; ngoài tỉnh như: Cầu Đất, Bảo Lộc, Đam Ri, Võ Đắc, Cam Ranh, Cảnh Vân, Mỹ Á, Phú Hiệp, Phan Thiết, Vũng Tàu,.. Gia Lai, DakLac, KonTum, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Biên Hòa, Quảng Nam, một số tỉnh miền Tây Nam bộ, TP Đà Nẳng, Sài Gòn, Hà Nội, …; sống định cư ở nước ngoài như: Hoa Kỳ, Canada, Liên Bang Nga, Đức, Nam Tư, Anh, Pháp, Singapore…
Gia Phả và Phả đồ đã cơ bản hoàn thành hiện đang cập nhật để bảo đảm tính Khoa học, chính xác, thứ tự của từng chi phái để in ấn, xuất bản nhằm cung cấp thông tin chính thống, chính xác đến từng con, cháu họ.
BAN BIÊN TẬP WEBSITE
- Trần Như Thế
Sdt:/Zalo: 0944 514 207
Mail: tntpgdmoduc@gmail.com - Trần Như Dưỡng
Sdt/Zalo: 0903 711 755|
Mail: plywood.phucthanh@gmail.com - Trần Như Chương
Sdt/Zalo: 096 898 2369
Mail: chuong401968@gmail.com
Văn phòng thường trực tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam
Địa chỉ: Trần Như Bích 144C Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0906 842 586