LỜI NÓI ĐẦU

         Tìm về cội nguồn dòng họ là bổn phận của mỗi người chúng ta mà người xưa đã dạy rằng: “Chim có tổ, người có tông”. Nguồn cội và truyền thống dòng họ chính là sợi dây vững chắc gắn kết con cháu muôn đời hướng về tổ tiên, cùng động viên hỗ trợ, hợp tác giúp nhau trong cuộc sống.
          Ngày nay nền văn minh nhân loại đã đạt đến mức đỉnh cao, sự phát triển về mọi mặt trong đời sống xã hội ngày càng phong phú. Con cháu chúng ta hiện đang cư trú khắp mọi nơi sẽ có điều kiện nghiên cứu cập nhật thông tin về nguồn gốc của mình một cách nhanh chóng và đầy đủ.
         Giữa lúc, cuộc sống bộn bề, ai ai cũng phải lo toan những việc cơm, áo, gạo, tiền và những vấn đề riêng tư của mỗi người; Tuy nhiên không cho phép chúng ta thờ ơ, xao lãng với cội nguồn; Vì đôi lúc cháu con ta hỏi rằng nguồn gốc mình ở đâu? thì ta thấy chạnh lòng! Thật ư là thiếu sót.
         Chính vì lẽ đó mà Hội đồng gia tộc Họ Trần Tiền hiền Thi Phổ Quảng Ngãi mong muốn con cháu muôn đời sau đều nhận biết huyết thống một cách tường tận và chung tay gìn giữ những thành quả to lớn của cha ông để lại.
         Trang Website Họ Trần Tiền hiền Thi Phổ Quảng Ngãi ra đời nhằm mục đích nhắc lại con cháu trong dòng tộc luôn hướng về nguồn gốc tổ tiên, giữ gìn và tôn vinh công đức của ngài Thỉ Tổ, cũng như phát huy truyền thống quý báu của gia tộc.

Lễ đón nhận di tích lịch sử cấp quốc gia ông Trần Như Dưỡng tộc trưởng đại diện họ nhận

            Đây chính là thêm một phương tiện để con cháu họ Trần chúng ta rộng đường tìm về nguồn gốc, là nơi sum vầy, họp mặt giao lưu, chia sẻ, giúp con cháu họ Trần Tiền Hiền gần gũi và yêu thương nhau hơn. Gia phả Họ chúng ta từ bản gốc bằng văn bản Hán – Nôm được các Cụ ta cập nhật, biên dịch ra hình ảnh Phả đồ Tiếng Việt vào năm 1958, bổ sung lần thứ nhất năm 1972, lần thứ hai năm 2005 đã thể hiện được một Bộ Gia phả truyền đời từ Ngài Thủy Tổ Trần Cẩm đến đời thứ 15; Nay con cháu đã đến đời thứ 24 ngót nghét 6.000 người nên cần thiết phải cập nhật, bổ sung trên giấy và trên mạng Internet để con cháu truy tìm về nguồn gốc dể dàng, thuận tiện.

          Cách tốt nhất để đền đáp công ơn của tổ tiên đó là sự hiếu thảo, thuận hòa, đoàn kết trên tinh thần máu mủ: “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã”. Làm được điều đó, thì Tiên Tổ sẽ thật an lòng và dòng họ Trần Tiền Hiền của chúng ta sẽ ngày càng vững mạnh. Với suy nghĩ như vậy, là con cháu họ Trần Tiền Hiền, chúng ta hãy cùng nhau gạt bỏ những khác biệt về nơi ở, Chi, Phái, tôn giáo, quan điểm chính trị và các giá trị cá nhân khác, để cùng hướng về tổ tiên và cùng đến với nhau bằng sự chân thành, bằng giá trị cốt lõi của dòng họ, đó là: “dòng máu họ Trần Tiền Hiền Trần Cẩm”. Tập trung xây dựng, hoàn thiện Gia phả góp thêm sức mạnh tinh thần, con cháu họ Trần ta chắc chắn sẽ hưởng nhiều phúc ân, vinh quang và trường tồn.

Bàn thở tổ tại nhà thờ chính

          Ngày nay, cuộc sống bộn bề công việc, ai ai cũng phải lo toan những việc cơm áo gạo tiền và những vấn đề riêng tư của mỗi người. Nhưng muốn có sự phát triển bền vững chúng ta cần phải tìm về với nguồn cội của mình. Việc tìm về cội nguồn sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm về nguồn gốc, truyền thống quý báu của gia tộc. Qua đó chúng ta sẽ có thêm chỗ dựa vững chắc về tinh thần, tạo thêm nguồn sức mạnh đoàn kết để chúng ta cùng vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống và tiến bộ, thành đạt trong sư nghiệp.

          Cùng nhau tìm về cội nguồn dòng họ chúng ta sẽ trân quý hơn những thành tựu của cha ông. Nguồn cội và truyền thống dòng họ chính là sợi dây vững chắc gắn kết con cháu muôn đời hướng về tổ tiên, cùng động viên hỗ trợ, hợp tác giúp nhau cùng phát triển. Có như vậy dòng họ Trần của chúng ta mới phát triển trường tồn và ngày càng vững mạnh.

Cổng chính nhà thờ

Sơ lược Tiểu sử của Ông Thủy tổ Trần Cẩm

          Theo gia phả họ Trần và tư liệu, sắc phong, Chiếu chỉ, nội dung trong Văn bia, Hoành phi lưu tại từ đường họ Trần cho biết:
          Trần Cẩm là một trong những nhân vật lịch sử có công lớn trong sự nghiệp ổn định và khai phá vùng đất Quảng Ngãi, xây dựng hậu phương vững vàng cho công cuộc Nam tiến đầu thế kỷ XVII.
Suốt 30 năm trấn nhậm ở Quảng Ngãi (1597 -1630), Trần Cẩm có công rất lớn trong việc đốc xuất quân dân khai phá đất đai, phát triển thủy lợi; xác lập các thôn, phường, xã, tổng ở vùng đất mới; vừa ổn định đời sống nhân dân, vừa huy động tài lực, nhân lực phục vụ khai mở dải đất phía Nam đất nước.

          Xuất thân trong một gia đình quan võ, là con trai của Ngài Khởi Thỉ Tổ Trần Như Khóa làm quan võ đời Lê Trung Hưng. Ông sinh năm Ất Tỵ -1545, đời vua Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 12, người phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, nay là quận Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

          Vào đời với tước quan văn triều từng làm Ký lục ở Hà Đông, Ông đã dấn thân vào con đường binh nghiệp của thân phụ, cầm quân xông pha chiến trận lúc tuổi đời còn rất trẻ giúp vua Lê mở mang bờ cõi ở phía Nam và vỗ yên bá tánh.

          Năm Bính Thân -1596 (Quang Hưng năm thứ 19 ), ông được vua Lê Thế Tông phong tước Quản Nham Bá, giữ chức Phụ Quốc Thượng tướng quân. Tiếp đến năm Đinh Dậu -1597 ( Quang Hưng năm thứ 20 ), vua Lê cử ông vào làm Cai phủ Tham tướng trấn giữ phủ Tư Nghĩa thuộc trấn Quảng Nam ( Gồm 3 huyện: Nghĩa Giang, Bình Sơn và Mộ Hoa ) thuộc trấn Quảng Nam; rồi giữ chức Chánh Khám Lý vùng Mộ Hoa ( 1625).

         Khi Trần Cẩm mới vào trấn nhậm chức ở đây ông nhận thấy vùng đông xứ Mộ Hoa tuy đất đai phì nhiêu, màu mỡ nhưng còn hoang vu, khí hậu ẩm thấp, lau lách um tùm, chưa được khai phá bao nhiêu. Là người có tầm nhìn xa rộng lại giàu nghị lực, năm Mậu Tuất (1598), Trần Cẩm xin phép triều đình chiêu mộ 2.000 dân binh từ vùng Thanh – Nghệ để cùng với dân bản xứ tiến hành khẩn hoang, quy dân lập ấp, mở mang điền địa, bảo vệ biên cương, giữ yên dân chúng.

          Lần đầu tiên Đức Thủy Tổ Trần Cẩm tổ chức khai hoang lập ấp là làng Địa Thi sau gọi là làng Thi Phổ, làng lớn nhất Mộ Đức thời bấy giờ gồm các xã Đức Tân, Đức Thạnh, Đức Chánh, Đức Minh và Thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức ngày nay.

          Ngoài việc tổ chức lưu dân khẩn hoang, xây dựng hương thôn, ông còn trị thủy và cải tạo mở rộng sông Thoa, khai kênh, xây dựng và củng cố hệ thống đập như: Bến Thóc, Phước Khánh, Điền Trang, Tiểu Yển, mương Tuần…hình thành hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho xứ Mộ Hoa. Các công trình dẫn thủy nhập điền, đào sông Thoa của ông không chỉ đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp lúc bấy giờ phát triển mạnh mẽ; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.

          Từ nỗ lực của Trần Cẩm và quân dân phủ Mộ Hoa, 25 xứ ruộng với diện tích 3.200 mẫu Trung bộ đã được khai hoang. Nét nổi bật là tất cả ruộng đất khai hoang đều được sung công, chia bình quân hết cho dân canh tác thực hiện câu “ Thực túc binh cường”.

          Ngoài việc tổ chức lưu dân khẩn hoang, xây dựng hương thôn, Trần Cẩm còn chú trọng đến công tác trị thuỷ. Ông đốc thúc quân dân mở rộng sông Thoa, xây dựng và củng cố các đập Bến Thóc, Phước Khánh, Điền Trang, Tiểu Yển, mương Tuần… Các công trình dẫn thủy nhập điền do ông chủ trương đã tích cực thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp lúc bấy giờ phát triển, góp phần quyết định biến Mộ Hoa trở thành vựa lúa của phủ Tư Nghĩa, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

          Năm 1630, khi tuổi đã cao, ông xin nghỉ hưu về sống ở làng Văn Thắng, xã Địa Thi, huyện Mộ Hoa, tiếp tục cùng con cháu trong dòng tộc và người dân xây dựng Địa Thi thành một trong những hương thôn mẫu mực về nông trang và phong hóa thời bấy giờ.

          Năm Canh Thìn (1640 ), ông Trần Cẩm qua đời ở tuổi 95, người dân địa phương kính trọng tôn ông là Tiền hiền của làng Địa Thi – Thi Phổ và dựng miếu thờ tại đình làng Thi Phổ, tế tự hai kỳ xuân thu trọng vọng.

          Mộ Trần Cẩm tọa lạc trên gò đất cao giữa vùng Cù lao Bầu Súng Hoài Ân ( nay thuộc xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức ) gần thân Phụ và thân Mẫu của ngài.

          Nhờ công lao khai hoang vỡ hóa lập làng tạo dựng cơ nghiệp giúp dân làng được sung túc, học hành, đỗ đạt thành tài nên người dân địa phương đã thành kính tôn ông là bậc Tiền hiền của làng Địa Thi – Thi Phổ.

          Các triều vua từ triều Lê Trung Hưng đến triều Nguyễn đã ban cho ông 7 sắc phong, trong đó có sắc phong thời Khải Định truy tặng ông Tiền khai khẩn dực bảo trung hưng linh phò chi thần ”. Tất cả các sắc phong trên cùng với 14 chiếu chỉ đến nay vẫn được dòng họ lưu giữ tại nhà thờ chính họ Trần

          Tất cả con cháu họ ở khắp mọi nơi đều có quyền đóng góp, ủng hộ vật chất, tinh thần cho HĐGT và BQT Họ kèm theo số điện thoại, địa chỉ, Email về Tài khoản công khai của Họ do Ban quản trị đăng trên trang web.

VIDEO MỘT THOÁNG VỀ NGUỒN:

VIDEO DI TÍCH QUỐC GIA: 

GHI ÂM SƠ LƯỢC TIỂU SỬ: 

GHI ÂM QUỐC CA TRONG LỄ TẾ THANH MINH NĂM 2023

 

TỘC CA HỌ TRẦN TRONG TẾ LỄ THANH MINH NĂM 2023

 

TRUYỀN THỐNG HỌ TRẦN TIỀN HIỀN TRẦN CẨM 2023

 

BAN BIÊN TẬP WEBSITE

  1. Trần Như Thế
    Sdt:/Zalo: 0944 514 207
    Mail: tntpgdmoduc@gmail.com
  2. Trần Như Dưỡng
    Sdt/Zalo: 0903 711 755 | 0929 238 239
    Mail: plywood.phucthanh@gmail.com
  3. Trần Như Chương
    Sdt/Zalo: 096 898 2369
    Mail: chuong401968@gmail.com

Văn phòng Thường trực tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam
Địa chỉ: 144C  Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, Quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
Liên hệ: Trần Như Bích  – Điện thoại: 0906 842 586