LÝ LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT MỘ VÀ NHÀ THỜ TRẦN CẨM XÃ ĐỨC CHÁNH, XÃ ĐỨC THẠNH, XÃ ĐỨC TÂN, HUYỆN MỘ ĐỨC, TỈNH QUẢNG NGÃI

LÝ LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ
VÀ KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT
MỘ VÀ NHÀ THỜ TRẦN CẨM
XÃ ĐỨC CHÁNH, XÃ ĐỨC THẠNH, XÃ ĐỨC TÂN,
HUYỆN MỘ ĐỨC, TỈNH QUẢNG NGÃI
Người viết Lý lịch: Đoàn Bích
Năm viết, biên dịch: 1996

 

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN                                                                                        CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
  TỈNH QUẢNG NGÃI                                                                                                    Độc lập – Tự do- Hạnh phúc
Số 2166 /CV-UB                                                                                                                         Quảng Ngãi, ngày 28 tháng 12 năm 1996
Về việc đề nghị công nhận
Di tích lịch sử văn hóa

                                     Kính gởi: BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA THÔNG TIN

           Thực hiện Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 4/4/1984 về việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thông tin và các Ban ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, khảo sát di tích lịch sử văn hóa Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm xã Đức Chánh, xã Đức Thạnh và xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Kết quả nghiên cứu và thủ tục pháp lý của hồ sơ di tích lịch sử văn hóa Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm xã Đức Chánh, xã Đức Thạnh và xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã thể hiện đầy đủ các phần theo hướng dẫn lập hồ sơ di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Bộ Văn hóa Thông tin.

( Kèm theo Hố sơ di tích lịch sử văn hóa Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm)

            Kính đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin xét duyệt và ra quyết định công nhận di tích lịch sử Quốc gia cho di tích Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm xã Đức Chánh, xã Đức Thạnh và xã Đức Tân, huyện Mộ Đức

Nơi nhận:                                                                                                                                                                               TM/UBND TỈNH QUẢNG NGÃI
– Như trên;                                                                                                                                                                                           KT/ CHỦ TỊCH
– CT UBND tỉnh;                                                                                                                                                                                   PHÓ CHỦ TỊCH
– Sở VHTT;
– Bảo tàng tỉnh;
– Lưu VP-VX

HOÀNG NGỌC TRÂN

 

 

 

UBND TỈNH QUẢNG NGÃI                                                                                                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SỞ VĂN HÓA THÔNG TIN                                                                                                                           Độc lập – Tự do- Hạnh phúc
Số 466 /VHTT                                                                                                                                                       Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 12 năm 1996

 

TỜ TRÌNH
Đề nghị công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa

                                                                                                                   Kính gởi: UBND TỈNH QUẢNG NGÃI

– Căn cứ Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 4/4/1984 về việc bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
– Căn cứ Nghị định số 288 – HĐNN ngày 31/12/1985 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 216 VH/TT ngày 22/7/1986 của Bộ văn hóa quy định và hướng dẫn thể thức đăng ký công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
– Căn cứ vào kết quả nghiên cứu và thủ tục pháp lý của hồ sơ di tích lịch sử văn hóa Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm xã Đức Chánh, xã Đức Thạnh và xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, do Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi thực hiện.
Nay Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Ngãi trình UBND tỉnh Quảng Ngãi duyệt y và ra văn bản đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin xét cấp quyết định công nhận di tích lịch sử Quốc gia cho di tích Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm xã Đức Chánh, xã Đức Thạnh và xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Hồ sơ di tích gồm:
1. Lí lịch di tích
2. Bản đồ vị trí phân bổ và đường đi đến di tích
3. Bản vẽ mặt bằng, mặt cắt ngang, mặt cắt dọc những mảng chạm khắc đẹp của di tích
4. Tập ản khảo tả di tích
5. Biên bản và bản đồ quy định khu vực bảo vệ di tích
6. Tờ Trình xin công nhận xếp hang di tích của Sở Văn hóa Thông tin trình UBND tỉnh Quảng Ngãi và công văn đề nghị công nhận xếp hạng di tích của UBND tỉnh Quảng Ngãi gởi Bộ Văn hóa Thông tin.

Nơi nhận:                                                                                                                                                                                              KT/GIÁM ĐỐC SỞ VHTT QUẢNG NGÃI
– Như trên;                                                                                                                                                                                                                PHÓ GIÁM ĐỐC
– Lưu VP Sở.

 Nguyễn Ngọc Trạch

 

 

 

 

 

SỞ VHTT QUẢNG NGÃI                                                                                                          CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BẢO TÀNG TỔNG HỢP                                                                                                                       Độc lập – Tự do- Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 12 năm 1996

 

LÝ LỊCH DI TÍCH

I- TÊN GỌI: Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm
Hay còn gọi Mộ và Nhà thờ Trần Tiền Hiền.
II- ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỔ DI TÍCH – ĐƯỜNG ĐI ĐẾN
Di tích Mộ và Nhà hờ Trần Cẩm bao gồm 3 địa điểm có vị trí phân bổ sau:
1. Mộ Trần Cẩm: Địa chỉ: Thôn Hoài An; phường (xã): Xã Đức Chánh; huyện Mộ Đức; tỉnh Quảng Ngãi, cách di tích Mỏ Cày 1500 m về phía Đông. Thông tin về thửa đất: Thửa đất số: T 153/1130; Tờ đồ số: 03; loại bản đồ: Quy định khu vực bảo vệ DTLS quốc gia; Địa chỉ đất: Thôn Hoài An; Xã Đức Chánh; huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Địa chỉ cũ: HTX Nông Nghiệp Đức Chánh. Diện tích khuôn viên đất: 1.130 m2; Hình thức sử dụng: Sử dụng chung: 1.130 m2 Mục đích sử dụng đất: Quản lý, Bảo vệ khu vực Di Tích Lịch Sử cấp quốc gia. Thời hạn: Không có thời hạn. Nguồn gốc sử dụng đất: Đất do Nhà nước cấp. Theo bản vẽ số: 03, ngày 19/12/1996, do UBND huyện Mộ Đức lập. Tài sản gắn liền với đất: Loại công trình xây dựng: Mộ được xây dựng đầu thế kỷ XVIII, trùng tu lại năm 1926, 1975, 1991 và giữ nguyên vẹn đến nay. Diện tích xây dựng: 1.130 m2. Kết cấu: Xây đá ong to bản, vôi, vữa gạch gồm 2 vòng hình bầu dục; thành tường xây theo kiểu lan can bổ trụ, Trụ biểu, bình phong, hậu đầu cổng mộ, nhà bia trang trí đắp nỗi, ốp sành theo chủ đề: Rồng giỡn nước, phụng múa kẹp binh thư chạm khắc công phu.
2. Nhà thờ Trần Cẩm gồm có 2 Nhà thờ:
– Nhà thờ Đức Thạnh: Địa chỉ trụ sở chính: Thôn Phước Thịnh; Xã Đức Thạnh; huyện Mộ Đức; tỉnh Quảng Ngãi. Thông tin về đất Nhà thờ Đức Thạnh: Thửa đất số: T 993/ 2070; Tờ đồ số: 01; loại bản đồ: Quy định khu vực bảo vệ DTLS quốc gia; Địa chỉ tại: Thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Địa chỉ cũ: HTX Nông Nghiệp Đức Thạnh. Diện tích khuôn viên đất: 2.070 m2; Hình thức sử dụng: Sử dụng chung: 2.070 m2 . Mục đích sử dụng đất: Quản lý, Bảo vệ khu vực Di Tích Lịch Sử cấp quốc gia. Thời hạn sử dụng đất: Không có thời hạn. Nguồn gốc sử dụng đất: Đất do Nhà nước cấp. Theo bản vẽ số: 01, ngày 19/12/1996, do UBND huyện Mộ Đức lập. Nhà thờ cách Quốc lộ 1A 800m về phía Đông và Thị trấn Mộ Đức 2 km về phía Bắc.
– Nhà thờ Đức Tân: 1. Địa chỉ trụ sở chính: Thôn 1, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. 2. Địa chỉ liên hệ: Thôn 1, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Điện thoại liên hệ: 0944514207 3. Địa điểm khu đất xin được giao: Nhà Thờ Trần Cẩm tại Thôn 1, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. 4. Diện tích (m2): 1650 m2 (được xác định trên bản đồ do đơn vị đo đạc có tên: T 649/1650 Tờ bản đồ số 1, HTX Nông nghiệp Đức Tân; do UBND huyện Mộ Đức lập ngày 19/12/1996 tại Biên bản Quy định khu vực bảo vệ Di tích LSVH cấp Quốc gia, Loại nhà hoặc loại công trình xây dựng: Nhà cấp 4 cổ, xây dựng năm 1820, trùng tu lại năm 1941 và giữ nguyên vẹn đến nay. số tầng: 01. Diện tích xây dựng: 100 m2. Tổng diện tích sàn xây dựng: 90 m2 Kết cấu : Xây đá, vôi, vữa gạch ; theo kiểu 24 cột gỗ chịu lực, 4 vì kèo chồng rường chày cối, bàn khoa, chạm khắc công phu theo chủ đề tứ quý, tứ linh, bát bửu,… tường hoa chắn mái, hàng hiên. Theo bản vẽ số:…5. Mục đích sử dụng: Quản lý, Bảo vệ Nhà thờ khu vực Di Tích Lịch Sử cấp quốc gia. Nhà thờ cách Nhà lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng 500 m về phía Bắc.
Hai Nhà thờ nầy trước đây đều nằm ở làng Địa Thi, huyện Mộ Đức, hiện nay cũng trên vị trí cũ, chỉ cách nhau 800 m nhưng lại thuộc địa phận 2 xã khác nhau theo địa giới hành chính dưới thời Thiệu Trị (1841-1847) thuộc Triều Nguyễn.
Có thể đi đến Mộ và 2 Nhà thờ bằng các phương tiện Ô tô, moto, xe máy, xe đạp,…từ TP Quảng Ngãi theo QL 1A vào phía nam đến Mỏ Cày-Mộ Đức 15 km, rẽ tay trái xuống phía Đông 1,500 km theo con đường liên xã đến Mộ Trần Cẩm. Từ Mỏ Cày đi tiếp hơn 2 km nữa về phía Nam thị trấn Thi Phổ đoạn cầu Ông Liếu rẽ trái về phía Đông đường đi biển Minh Tân đến giáp đường tránh Đông rẽ phải về phía Nam 40 m gặp đường bê tông dân sinh đi vào Cổng Nhà thờ Trần Cẩm Đức Thạnh. Cũng từ thị trấn Thi Phổ đoạn cầu Ông Liếu đi tiếp về phía Nam 2 km là đến Nhà thờ Đức Tân.
Lăng Mộ và Nhà thờ của Ngài Thủy Tổ Trần Tiền hiền được Bảo tàng Quảng Ngãi đánh giá như sau: “ Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm là một công trình kiến trúc, có niên đại còn lại duy nhất ở Quảng Ngãi nên rất có giá trị về lịch sử, nghệ thuật. Đặc biệt là Nhà thờ ở Đức Tân vẫn còn nguyên vẹn vóc dáng ban đầu, như một công trình vĩnh cửu, ở đầu các bộ vì kèo được chạm khắt sắc sảo, độc đáo mang đặc trưng Nhà Rường nguyên bản gốc còn lại ở Quảng Ngãi có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao. Xét về mặt lịch sử, mỗi công trình ở đây còn là một phần trong lịch sử buổi đầu khai phá vùng đất Quảng Ngãi, mang dấu ấn từ thời khai phá mở đất lập làng”.
III- SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ THUỘC DI TÍCH:
Trong lịch sử bổi đầu chinh phục, khai phá miền đất xứ Quảng nói chung và Quảng Ngãi ngày nay nói riêng. Cách đây 5 thế kỷ có nhiều bậc khai quốc công thần có công khai phá đất đai, xây dựng làng, xã được nhân dân sau nầy suy tôn là bậc Tiền hiền của các địa phương. Một trong những vị Tiền hiền têu biểu nhất có công khai há, xây dựng xứ Mộ Hoa xưa nay là huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đó chính là Thủy tổ Trần Cẩm.
Theo các tài liệu và thư tịch cổ từ thế kỷ thứ XIV về trước đất Mộ Đức nằm trong châu Aratavati( tương đương với Quảng Nam Đà Nẵng – Quảng Ngãi) của Vương quốc Chàm. Đến đầu thế kỷ XV dưới triều Hồ(1400-1407) Mộ Đức được gọi là huyện Khê Cẩm của Lộ Thăng Hoa thuộc Cổ Lũy động( tức phủ Tư Nghĩa và Quảng Ngãi sau nầy), đã có người Việt đặt chân đến khai phá nhưng quy mô nhỏ bé, dân cư thưa thớt, chưa sống quy tụ thành làng.
Tiếp theo hành trình mở đất đó đến triều Lê Thánh tôn(1460-1497) đất Mộ Đức tiếp tục được khai phá thêm ra nhưng chủ yếu bằng hình thức lập đồn điền còn hình thức doanh điền chưa được tiến hành trên quy mô lớn mặc dù trên thực tế vùng đất nầy đã trở thành một bộ phận của đất Đại Việt thuộc huyện Mộ Hoa, phủ Tư Nghĩa( tên gọi Mộ Hoa đến 1845 đổi thành Mộ Đức vì phạm húy tên mẹ của vua Thiệu Trị) trực thuộc đạo Thừa Tuyên Quảng Nam, đạo thứ 13 của cả nước bấy giờ.
Tuy nhiên càng về sau nầy, đặc biệt là từ nữa sau thế kỷ XVI – XVII thì vùng đất Mộ Đức nói riêng, Quảng Ngãi nói chung mới được khai phá không chỉ với quy mô ngày càng lớn mà tốc độ ngày càng được đẩy mạnh. Không chỉ với phương thức khai phá lập đồn điền như trước mà còn tổ chức xây dựng doanh điền, di dân khai phá, định cư xây dựng làng, xã một cách quy củ hơn trước nhiều, bởi lẽ công cuộc khai phá lần nầy một mặt nó gắn liền với toan tính của chúa Nguyễn Hoàng (1558 vào trấn thủ đất Thuận Hóa) mở rộng đất đai phương Nam(đàng trong) nhằm đối phó với chúa Trịnh ở đàng ngoài, mặt khác, do yêu cầu phát triển kinh tế cả nước Đại Việt lúc bấy giờ. Để thực hiện ý đồ trên các chúa Nguyễn đã cho phép và khuyến khích các Tướng lĩnh, Hào phú chiêu mộ dân nghèo miền ngoài đưa vào vùng đất mới Quảng Ngãi khai hoang, lập ấp tiếp tục khai phá thêm hơn ra ở đời Lê trước đó.
Thủy Tổ Trần Cẩm đã đến trấn thủ vùng đất phủ Tư Nghĩa, tổ chức đưa lưu dân khai hoang, mở đất, lập làng Địa Thi, xứ Mộ Hoa trong bối cảnh lịch sử đó.
Theo Gia phả họ Trần và tư liệu từ Sắc phong, Chiếu chỉ, nội dung ghi trong Văn bia, Hoành phi, Liễn, Đối còn lại tại Mộ, Nhà Thờ cho biết:
TRẦN CẨM nguyên gốc người Làng Bưởi phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, nay là quận Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ông sinh năm Ất Tỵ -1545, đời vua Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 12, mất năm 1640. Xuất thân trong một gia đình quan võ cha là TRẦN NHƯ KHÓA từng là võ quan dưới triều Lê Trung Hưng. Ông vào đời với tước quan văn triều đã từng làm Ký lục ở Hà Đông. Nối gót cha mình Ông đã dấn thân vào con đường binh nghiệp, cầm quân xông pha chiến trận lúc tuổi đời còn rất trẻ giúp vua Lê mở mang bờ cõi về phía Nam và vỗ yên bá tánh.
Xét công lao to lớn đó năm Bính Thân -1596 vua Lê Thế Tông(1573-1599) niên hiệu Quang Hưng năm thứ 19 ông được phong tước Quản Nham Bá, giữ chức Phụ Quốc Thượng tướng quân. Tiếp đến năm Đinh Dậu -1597 niên hiệu Quang Hưng năm thứ 20, vua Lê cử ông vào làm Cai phủ Tham tướng trấn giữ phủ Tư Nghĩa thuộc trấn Quảng Nam, lộ Thừa tuyên Quảng Nam ( Gồm 3 huyện: Nghĩa Giang, Bình Sơn và Mộ Hoa ). Khi quan sát, thăm dò thấy vùng đất phía Đông Nam Mộ Hoa mặc dù đất đai phì nhiêu, non sông cẩm tú nhưng còn hoang vu, khí hậu ẩm thấp chưa khai phá được bao nhiêu. Cảnh hoang sơ, sơn lam, chướng khí đã làm nản lòng, thối chí những người đàng ngoài vào đây khẩn hoang, lập làng, định cư. Nhưng với tài năng, uy vũ, dũng khí và tài khéo léo tổ chức bản lĩnh hơn người đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đó. Năm 1598 Ông xin vua Lê Thế Tông chiêu mộ 2000 lưu dân xứ Thanh Nghệ và một số lưu dân phân tán khác vào xứ Mộ Hoa để khai khẩn đất đai. Ông cùng với các lưu dân quyết đem thân gởi nơi rừng thiêng, nước độc, tắm gội gian nan, đem cái chí kinh doanh đã dấu sẳn trong lòng gieo vào nơi mới mẻ nầy. Chẳng bao lâu sau những hạt giống đó đã đâm nhánh, nứt chồi. Chí lớn đã thành công. Ông cùng lưu dân mở mang ruộng đất, đắp ao đầm, phá rừng rú làm nhà cửa, tụ lập thành làng. Làng đầu tiên ông khai khẩn là làng Địa Thi ( gồm Đức Tân, Đức Thạnh, Đức Chánh, Đức Minh, Thị Trấn Mộ Đức ngày nay),
Từ sơ khởi chiếm đất, khẩn hoang tổ chức lưu dân lập làng Địa Thi – Mộ Đức là bậc Tiền hiền Trần Cẩm để rồi sau đó tổ chức nơi định cư đầu tiên của con cháu họ Trần và cư dân quanh vùng làm căn cứ xuất phát cũng từ vùng đất đầu cầu nầy tạo nơi tích lũy lương thực tiếp tục khẩn hoang mở rộng đất đai ra các vùng đất phụ cận kéo dài từ bờ nam Sông Vệ đến Thạch Trụ tạo nên diện mạo của huyện Mộ Hoa xưa nay là Mộ Đức. Cùng với việc chiêu mộ dân, khẩn hoang lập làng, xây dựng hương thôn đồng thời Ông cũng giúp đân an cư lạc nghiệp. Trong hoàn cảnh đất mới khai hoang, thiếu nước, phân, cây giống,…để vượt qua những trở ngại ban đầu đó Ông thực hiện chính sách Chung hòa lợi lộc Ông đem ttất cả đất đai khai hoang chia bình quân cho mọi nhà để làm ăn, cày cấy. Chính sách đó không những có hiệu quả tức thời mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình mở mang bờ cỏi trong thời gian tiếp theo. Chính nhờ vậy Ông đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân và tạo nên mối liên hệ, đoàn kết với các dòng họ khác cùng nhau tham gia khẩn hoang, lập làng mà người đứng ra dẫn dắt, tổ chức thực hiện chính là các bậc con cháu của Trần Cẩm. Với công sức đó Ông cùng các dòng họ khác đã xây dựng nên diện mạo của vùng đất lúa phì nhiêu phía Nam tỉnh Quảng Ngãi (1598-1630).
Diện tích đất đai do Ông đã tổ chức khai hoang, phục hóa từ 1598 đến 1630 được ghi trong Gia phả họ Trần – Thi Phổ và trong quyển Bộ châu – Bộ ruộng đất công, tư điền của làng Thi Phổ – Mộ Đức cụ thể như sau: Diện tích đất: 3.200 mẫu Trung bộ, được phân bổ tại 25 xứ đồng thuộc cánh đồng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, cánh đồng lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài ra để bảo đảm đời sống cho nhân dân và lương binh cho quân đội nên đi đôi với việc khẩn hoang Ông còn tổ chức cho nhân dân đào sông, khai kênh, xây hệ thống đê, đập như: Phước Khánh, Điền Trang, Tiểu Yến, Mương Tuần, Trị Thủy Sông Thoa…để tưới, tiêu cho toàn bộ đồng ruộng Địa Thi, Vĩnh Phú, Thiết Trường ở phía Nam và Đôn Lương ở phía Đông. Hệ thống kênh mương còn tưới cho các cánh đồng Văn Bân, An Phong, Hoài An,…ở phía Bắc. Ông đã thực hiện hoàn thành hệ thống, công trình thủy nông. Các công trình tưới, tiêu, trị thủy sông Thoa nói trên không chỉ là chứng tích về sự chinh phục, khai phá vùng đất nầy gắn lền với tên tuổi Trần Cẩm mà còn có tác dụng tích cực trên nhiều mặt phục vụ nông nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp, quốc phòng không chỉ thời kỳ ấy mà còn là những công trình quan trọng cho mãi đến ngày nay. Ông Thủy tổ chúng ta không chỉ có tài quân sự, khai hoang, lập làng mà còn có tài trị nước, an dân. Ông đã thực hiện chính sách dân tộc, chung hòa lợi lạc, đem ruộng đất khai phá chia bình quân cho dân nghèo, cư dân, lưu dân cùng hưởng đến các đời sau. Rõ ràng là:
“ Kiến lý, Kiến cương, Khai địa, Khoán đồng bào, đồng trạch, Ngưỡng thần sàng “. Trần Cẩm không chỉ lo cho dân về đời sống mà còn thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, chung hòa lợi lộc phù hợp với nguyện vọng của cư dân vùng đát mới đến sinh cơ lập nghiệp. Những chính sách nầy đã giải quyết kịp thời những vấn đề chồng chéo giữa những lớp và nhóm dân cư khác nhau từ miền ngoài đến đây cư trú nhằm ổn định và bảo vệ văn hóa dân cư phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng đất mới được khai phá. Đây cũng chính là tài năng sáng tạo trong chính sách khai hoang của Ông; cốt lấy việc ổn định đời sống nhân dân àm cơ sở để phát triển đất nước đó chính là tư tưởng “ An dân quốc thái” chỉ riêng điều đó cũng đã đủ cho thấy Ông vượt cao hơn người cùng thời được vua Lê, chúa Nguyễn cử vào cai quản vùng đất nầy. Năm 1602 đổi tên phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Ngãi; rồi Ông giữ chức Chánh Khám Lý phủ Quảng Ngãi ( 1625).
Rõ ràng trong suốt hơn 30 năm làm cai phủ trấn thủ phủ Tư Nghĩa từ năm 1597 đến năm 1630 Trần Cẩm đã tổ chức lưu dân và con cháu họ Trần khai sơn, phá thạch biến đổi một vùng đất hoang vu, đầm lầy, nước đọng, sơn lam chướng khí thành nơi trù phú giúp dân sinh cơ, lập nghiệp xây dựng Địa Thi – Mộ Đức, Quảng Ngãi thành một vựa lúa của phủ Tư Nghĩa thời bấy giờ đồng thời góp phần vào việc tạo dựng cơ nghiệp lâu dài cho con cháu và nhân dân trong vùng ấm no, thịnh vượng tạo điều kiện để giữ biên giới bình yên, biên cương ngày thêm vững chắc.
Do những công lao to lớn đó nên các triều vua từ triều Lê Trung Hưng đến triều Nguyễn đã ban hết sắc phong nầy đến truy tặng sắc phong khác và thăng chức cho ông. Có 7 sắc phong, trong đó có sắc phong thời Khải Định truy tặng ông “ Tiền khai khẩn Dực bảo trung hưng linh phò tôn thần ”. Tất cả các sắc phong trên cùng với 14 chiếu chỉ đến nay vẫn được dòng họ lưu giữ tại nhà thờ chính họ Trần.
Ngoài sắc phong năm 1597 Ông được các vua triều Lê phong tước Phụ quốc Thượng Tướng quân Quản Nham Bá. Đến năm 1620 đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ thứ nhất phong chức Phó Đề Đốc, năm 1623 đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ thứ năm phong chức Đề Đốc, năm 1625 đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ thứ bảy phong chức Chánh Khám Lý trông coi hành chính tỉnh Quảng Ngãi. Đúng là:
“ Chi tặng cổn phong hồ hữu biểu. Bất thiên công đức thạch kham bi “.
Năm 1630 ( 85 tuổi ) do tuổi già sức yếu Ông xin nghỉ hưu về sống ở làng Địa Thi – Mộ Đức sau nầy đổi tên Thi Phổ – Mộ Đức. Lúc nầy dù tuổi cao nhưng Trần Cẩm vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội như tạo điều kiện và khuyến khích việc học hành; mở trường, rước danh sư về dạy học, chăm lo chính sách khuyến nông, khuyên ngư, khuyến học, khuyến thiện tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, xây dựng truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Chính vì thế mà sau khi qua đời vào năm 1640, hưởng thọ 95 tuổi để tỏ lòng biết ơn nhân dân địa phương đã tôn Ngài thành bậc “ TIỀN HIỀN ”, lập miếu thờ Ngài tại đình làng Điạ Thi luôn sùng bái, tôn vinh. Đúng là :
“ Sanh lương tướng, tử phúc thần. Anh linh vạn cổ.
Hương Tiền Hiền, Tộc Thỉ Tổ sùng bái thiên thu “ .
Các triều vua Lê sau nầy cấp công điền để chăm lo thờ cúng. Còn các vua triều Nguyễn kế tiếp nhau đều có truy phong đến nay còn giữ đạo Sắc phong thời Khải Định thứ 10 ( 1916 – 1925) truy tặng tước hiệu cho Ông Trần Cẩm:
翊 保 中 興 靈 扶 之 神 “ Tiền khai khẩn Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần “ Dịch nghĩa: Là bậc Tiền hiền có công phò Vua, giúp Nước hưng thịnh; Sắc phong nầy trước đây được thờ ở đình làng Thi Phổ – Mộ Đức nay là Xuân Viên, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức. Sau khi đình làng Thi Phổ hư hại nặng con cháu và nhân dân địa phương đã rước Sắc phong nầy về thờ ở Nhà thờ chính tại thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức.
Hoàn cảnh xuất thân của Trần Cẩm rất vẻ vang, các con của ngài đều nối nghiệp cha về sau nầy đảm nhận việc chỉ huy quân đội và lãnh đạo hành chính ở Quảng Ngãi; tiếp tục chính sách khẩn hoang, mở đất lập làng mới, dẫn thủy nhập điền giúp dân an lạc, làm ăn no ấm thịnh vượng. Các triều vua nhà Lê, nhà Nguyễn kế tiếp nhau có Sắc phong, Chiếu chỉ ban cho các con của Ngài: – Tham Tướng Đề Lãnh Hầu Trần Như Trân( con trai trưởng của Ngài), – Chánh Khám Lý Thái Sơn Hầu Trần Như Châu( con trai thứ 2 của Ngài), – Lê Quan Viên Tử Trần Như Bổn( con trai thứ 3 của Ngài), – Lê Quan Viên Tử Trần Như Đạt( con trai thứ 4 của Ngài). Bốn người con nầy là Biệt Tổ 4 phái còn gọi là Tứ Phái họ Trần Tiền hiền.
Từ cội nguồn Thủy Tổ Trần Cẩm đến nay hậu duệ của Đức Ông đã phát triển trên 50 Chi họ ở hầu hết các xã trong huyện Mộ Đức cũng như ở các huyện trong tỉnh và các địa phương ngoài tỉnh. Tại quê hương con cháu họ Trần Tiền hiền sống dàn trải theo các cụm, khu dân cư theo các vùng, thôn, xã,… như: Phước Thịnh, Lương Nông Bắc, Lương Nông Nam, Đôn Lương, xóm 6, Gò Đỗ,…của xã Đức Thạnh; Phước Hội, Phước Khánh, Phước Nam, cây Gạo, Đá bàn, Đồng Cát, thôn 1, thôn 2, 3, 4,… của xã Đức Tân, thôn 5, 6, 7,… của thị trấn Mộ Đức; Đạm Thủy, Minh Tân của xã Đức Minh; Thôn 1, 2, 3, 4, 5, 6,.. xã Đức Chánh; Châu Me, Lâm Thượng,…. xã Đức Phong; Ở ngoài huyện như: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi,..Ở ngoài tỉnh như: Cầu Đất, Bảo Lộc, Đam Ri, Võ Đắc, Cam Ranh, Cảnh Vân, Mỹ Á, Phú Hiệp, Phan Thiết Vũng Tàu,.. Gia Lai, DakLac, KonTum, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Biên Hòa, Quảng Nam, một số tỉnh miền Tây Nam bộ, TP Đà Nẳng, Sài Gòn, Hà Nội, …; sống định cư ở nước ngoài như: Hoa Kỳ, Canada, Liên Bang Nga, Đức, Nam Tư, Anh, Pháp, Singapor…
Nhờ Phổ hệ truyền đời nên con cháu đến thế hệ thứ 19, 22 vẫn nhận biết quan hệ huyết thống, Chi, Phái, thứ bậc, ngôi thứ trong xưng hô, đoàn kết giúp đỡ nhau trong công tác họ, công tác xã hội. Gia Phả và Phả đồ tuy đã cơ bản hoàn thành hiện đang cập nhật để bảo đảm tính Khoa học, chính xác, thứ tự của từng chi phái để in ấn, xuất bản nhằm cung cấp thông tin chính thống, chính xác đến từng con, cháu họ.
Qua các thời đại có nhiều đời, triều đại vinh hiển như: Thời Tây Sơn con cháu họ Trần Tiền hiền đã tham gia đội quân của vua Quang Trung, thời Cần Vương chống, đánh Pháp, thời kỳ Cách mạng chống Mỹ cứu nước đã có nhiều con cháu họ Trần Tiền hiền cống hiến tiền tài, sức lực, xương máu, có nhiều con cháu trai, gái, cháu dâu, cháu rễ, … họ Trần đã được công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, công nhận Liệt Sỹ, công nhận người có công với nước,…Qua chiến đấu gian khổ con cháu họ Trần Tiền hiền đã trưởng thành đã được phong Tường, sĩ quan cấp cao, là những cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước ta. Cũng có nhiều con cháu họ Trần Tiền hiền trở thành Nhà Khoa học, đạt danh hiệu học hàm, học vị cao. Hiện nay cháu con lớp lớp của dòng họ nầy vẫn giữ truyền thống hiếu học, đức độ, nhân từ của Ông, Cha thuở trước tiếp tục có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước nói chung và huyện, tỉnh nhà nói riêng.
Tóm lại, xét công đức, sự nghiệp của Đức Thủy Tổ Trần Cẩm cho thấy Ông thật sự có nhiều đóng góp công sức của mình cho dân, cho nước cùng với việc lập công giữ nước, Ông còn là người tiên phong trong việc tổ chức cho lưu dân mở đất lập làng ở các xã của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi công lao đó đã được ghi nhận, nhân dân địa phương và con cháu đời đời thờ cúng,ngưỡng vọng và sự ngưỡng vọng, tôn vinh đó mãi cho đến nay vẫn còn ngời sáng trong những tấm Sắc truy phong từ bao đời nay và những mỹ ý trên những bức Hoành phi, Liễn, Đối, Văn bia do hậu thế ca tụng được lưu giữ tại Nhà thờ thôn Phước Thịnh, xã Dức Thạnh và thôn 1 , xã Đức Tân, huyện Mộ Đức.
IV- LOẠI DI TÍCH
Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm ở thôn Hoài An, thôn Phước Thịnh, xã Dức Thạnh và thôn 1, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức thuộc loại di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Mộ và 2 nhà thờ đã trải qua nhiều biến thiên của lịch sử sự tàn phá của chiến tranh song vẫn được nhân dân địa phương và con cháu nội ngoại dòng tộc trùng tu, tôn tạo, giữ gìn qua nhiều đời, nhiều thế hệ nên đến nay các công trình kến trúc nầy vẫn giữ được vẻ cổ kính, bề thế, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc đương thời.
Di tích mộ và nhà thờ Trần Cẩm đã được: – UBND tỉnh Quảng Ngãi đã căn cứ vào phổ liệu công nhận Mộ và Nhà thờ Trần Tiền hiền là Di tích Lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số: 1881/QĐ-UBND, ngày 25/10/1993 – Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng di tích lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số:1543/QĐ/VH ngày 18/6/1997.
Tại Điều 2 Quyết định số:1543/QĐ/VH ngày 18/6/1997 đã ghi rõ: “ Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực của di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ VHTT”
Trong Biên bản Quy định khu vực bảo vệ: Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Mộ Trần Cẩm tại cuộc họp tại Hội trường UBND huyện Mộ Đức gồm có các Ông: Ông Trần Quý, PCT UBND huyện Mộ Đức;
Ông Nguyễn Ngọc Trạch, Phó GĐ Sở VHTT tỉnh Quảng Ngãi;
Ông Bùi Hồng Hương, Giám Đốc Bảo tồn Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi;
Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng VHTT huyện Mộ Đức;
Ông Lê Hồng Sơn, PCT UBND xã Đức Chánh.
Các đại biểu họp trên đã nhất trí và cùng ký tên vào Biên bản với sự chứng kiến của Phó CT UBND tỉnh Hoàng Ngọc Trân.
Di tích Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm là một quần thể gồm 3 điểm di tích cùng nằm trên địa bàn phía đông nam huyện Mộ Đức:
1. Mộ Trần Cẩm (Mộ Thuỷ Tổ) tại thôn Hoài An, xã Đức Chánh;
2. Nhà thờ Trần Cẩm (Nhà thờ Thủy Tổ) tại thôn Phước Thịnh xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉmh Quảng Ngãi
3. Nhà Tứ phái thờ 4 người con trai (có thờ vọng song thân) tại thôn 1, xã Đức Tân.
Cả 3 di tích đều nằm trên vùng đất do chính Trần Cẩm chủ trương và đôn đốc khai phá lúc sinh thời. Trần Cẩm nổi tiếng “công pháp vô tư”, gần gủi và thấu đạt nguyện vọng của người dân. Khi về trí sĩ ông hầu như không có sản nghiệp riêng, ngoài phần đất công điền do xã cấp, thật đúng như câu đối tại nhà thờ:
生 良 將 死 福 神 英 灳 萬 古
鄉 前 賢 族 始 祖 崇 拜 仟 秋
Dịch nghĩa: Sanh lương tướng, tử phúc thần, anh linh vạn cổ;
Hương tiền hiền, tộc thủy tổ, sùng bái thiên thu
Có nghĩa là: ( Sống làm lương tướng, chết làm phúc thần, thiêng liêng muôn thuở;
Với Làng là Tiền hiền, với họ là Thủy tổ, thờ cúng nghìn thu ).
HĐGT và BQT Họ Trần Tiền hiền lưu giữ một số văn bản pháp lý cấp quốc gia, cấp tỉnh hiện nay đối với công đức của Ngài Tiền hiền Trần Cẩm:
– 01 Quyết định của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng DTLSVH cấp quốc gia tại quyết định số:1543/QĐ/VH ngày 18/6/1997.
– 01 Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận Mộ và nhà thờ Trần Tiền hiền là DTLSVH cấp tỉnh tại Quyết định số: 1881/QĐ-UBND, ngày 25/10/1993.
– 03 biên bản quy định khu vực bảo vệ di tích LSVH Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm.
– 03 Bản đồ quy định khu vực bảo vệ di tích LSVH Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm.
– 01 Bản Lý lịch di tích LSVH Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm.
V- KHẢO TẢ DI TÍCH
1. Mộ Trần Cẩm yên vị trên một vồng đất cao giữa cánh đồng Bàu Súng, thuộc thôn Hoài An xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Mộ Trần Cẩm do con cháu nội ngoại họ Trần và nhân dân địa phương cùng góp công, của xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII để tưởng nhớ bậc Tiền hiền đã có công mở đất lập làng Địa Thi ngày trước. Mộ đã trải qua các lần trùng tu sau:
– Lần trùng tu thứ nhất vào năm 1926, niên hiệu Bảo Đại thứ nhất đã tu sửa thành ngoài của Mộ, Nhà bia và xây thêm cá công trình phụ như Trụ biểu, Bình phong.
– Lần trùng tu thứ hai vào năm 1975, 1991 chỉ tu sửa nhỏ như xây kè xung quanh viền thành để Mộ được khô ráo vào mùa mưa, quét vôi song vẫ giữ nguyên cấu trúc ban đầu.
Mộ Trần Cẩm xây dựng trên một khu đất cao giữa vùng đồng ruộng, đầu quay về phía Đông Nam, chân đạp hướng Tây Bắc. Tất cả công trình nỗi lên một màu sắc riêng biệt từ đá ong to bản kết cấu với vôi mật làm tăng thêm vẻ thẩm mỹ cho công trình. Người đương thời còn tạo cho Mộ một vẻ ấm cúng, hòa hợp với thiên nhiên bằng cây cối ở mức độ vừa phải xung quanh. Góc bên phải phía ngoài là cây Trâm cổ thụ non 200 năm tuổi.
Quy mô kiến trúc ngôi Mộ dàn trải theo chiều ngang. Mộ hình chữ nhật dài 25 m, rộng 10 m gồm có 2 phần: Thành Mộ và huynh( lòng mộ). Thành mộ xây theo kiểu lan can bổ trụ. Trụ cao 1,1 m, dày 0,4 m, có 8 trụ cách đều nhau và cao hẳn lên so với thành mộ( cao 1,5 m) làm phần trang trí đỉnh trụ được nổi bật. Đỉnh trụ được xây trang trí hình bồn chỉ; mặt trên thành mộ trang trí xoi vỏ măng.
Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc được bố trí như sau: Mộ xây kiên cố bằng đá ong to bản, Mở đầu phía trước có 2 trụ biểu cao 2,5 m, cách bình phong chân mộ 4 m; đỉnh trụ được trang trí hình bồn chỉ cao 0,7 m. Bước qua trụ biểu là bình phong hình chữ nhật xây theo kiểu cuốn thư cao 1,8 m, rộng 1,95 m. Bình phong được đắp nỗi ốp sành hình Long- Phụng; hình rồng quấn, đầu to, thân mập mạp, mặt sau chim Phụng kẹp binh thư. Hai bên hông Bình phong trang trí theo mô típ Hiệp quyển, nối liền với Hiệp quyển, 2 bên xây đắp nổi 2 con dao. Theo quan niệm dân gian Bình phong có tác dụng chắn những luồng gió độc thổi vào trong Mồ.
Nối liền Bình phong với cổng vào khu mộ là hàng lan can thấp nhưng được bổ trụ vuông cao lên ở 2 góc, chiều cao của trụ gần bằng trụ biểu tiền song đỉnh trụ ở đây không trang trí kiểu bồn chỉ mà đắp hình hoa sen, tượng trưng cho sự thanh cao, hạnh phúc bất tận, trường cửu. Từ các cột góc nầy một hàng lan can chạy vuông góc nối vào các trụ trong của lan can thành Mộ. Mặt trước thân trụ góc theo chiều dọc từ trên xuống đắp nổi ốp sành chữ Hán với nội dung ca ngợi, khắc ghi công đức của Ngài Trần Cẩm lúc sinh thời:
“ Chi tặng cổn phong hồ hữu biểu.
Bất thiên công đức thạch kham bi “ (đọc từ trong ra ngoài thành, từ trái sang phải)
Dịch “ Phong tặng chức, tước để biểu thị công trấn dẹp, công đức ấy không thể đổi dời mà chỉ có bia đá tạc ghi “ (Hình 1 và 2)
Sau Bình phong là cổng vào khu Mộ gồm 2 trụ biểu cao 1,8 m, đỉnh trụ trang trí cũng như các trụ lan can thành mộ. Bước vào trong cổng mộ là Nhà bia cao 3 m,
rộng 2 m có 2 tần, 8 mái, 4 cửa hình vòm, giữa 2 tầng mái là dải cổ diêm được phân chia ra từng ô bộc để trang trí đắp nổi Mai, Điểu, Tùng, Lộc( nai), cuốn thư mặt trời, bông đơn cùng dây leo thực vật mang đầy chất tư duy dân dã. Mái Nhà bia trước đây lợp ngói âm dương đến năm 1991 bị hư hỏng nặng nên thay mái nầy bằng mái xi măng giả ngói, tạo cho phần mái được bền vững. Bên trong Nhà bia đặt Văn bia bằng đá non nước cao 1,1 m, rộng 0,7 m; trán bia trang trí lưỡng Long tranh Châu, hông bia trang trí dây leo thực vật quấn binh thư, đáy bia trang trí hình kỷ hà(góc khay), mặt trước Văn bia khắc chữ Hán với nội dung như sau:
“ Hoàng triều sắc phong Tiền khai khẩn
Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần
Thỉ Tổ Tiền, Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Chánh Khám Lí Quản Nham Hầu, Trần Phủ Quân Chi Mộ. Bảo Đại nguyên niên (1926) Bính Dần Đông Mạnh kỳ vọng- Bổn tộc tứ phái hiệp thuyên”. Dịch: “ Mộ ngài thỉ tổ họ Trần, làm quan đến chức Phụ quốc Thượng tướng, Chánh Khám Lý, tước Quản Nham Hầu được Hoàng triều sắc phong là Tiền khai khẩn Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần. Năm Bảo Đại thứ nhất ghi tạc bia nầy, bốn phái họ Trần cùng lập”
Đằng sau Nhà bia 3 m là Huynh( lòng mộ) được xây theo hình bầu dục, chỗ dài nhất là 4,6 m, chỗ rộng nhất là 4,2 m với chất liệu bằng vôi, mật, cát, sỏi tạo thành đường viền kè thấp nổi đi vào chân Nhà bia. (Hình Mộ Trần Cẩm ở thôn Hoài An, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi)
Cách Đầu mộ 2 m là Bình phong hậu đầu, chiều ngang 2 m, chiều cao 1,5 m được xây ghép vào thành ngoài của mộ, hai bên Bình phong ghép trụ hình trôn ốc nối từ trụ nầy với thành mộ đắp nổi hình con Cù. Mặt trước Bình phong hậu đầu đắp nổi chữ Thọ được cách điệu hóa hình tròn viên mãn. Thọ: có nghĩa là sống lâu, thể
hiện quan niệm sống gởi, thác về của người đương thời.
Chếch về phía đông nam chừng 20 mét là khu mộ song thân ông, thẳng về phía đông 50 mét là mộ người con trai trưởng – Xuân Lãnh hầu Trần Như Trân, xa hơn, chừng gần 2 cây số về hướng đông bắc là mộ người con thứ – Thới Sơn hầu Trần Như Châu.
Tóm lại Mộ Trần Cẩm không chỉ có giá trị lưu niệm lịch sử, nơi an nghỉ của một danh nhân, người có uy danh trọng vọng, chức tước hàng đầu một phủ, lại có công rất lớn trong việc kinh dinh với vùng đất Quảng Ngãi xưa mà ngôi Mộ nầy còn có thể coi là điển hình của kiến trúc lăng mộ đương thời, là đỉnh cao kiến trúc lăng mộ ở Quảng Ngãi và thật hiếm hoi còn lại đến ngày nay. Giá trị đó được thể hiện từ kết cấu vật liệu, kỹ thuật xây dựng cho đến các đề taiftrang trí, các mảng đắp nổi ốp sành hình các sinh vật sống động ở Bình phong như: Rồng hí thủy vần vũ trong mây, Phượng vũ kẹp binh thư, mai điểu, tùng lộc hợp quyển, mặt trời, bông đơn mà ở đó là sự hội tụ âm dương, là sự cầu mong cho Thánh nhân xuất hiện, cho vẻ đẹp của con người, cho sự thuần hóa của vũ trụ. Bên cạch đó trên các đỉnh trụ kết hợp với mô tip xoi vỏ măng hình bồn chỉ còn có đắp nổi hình hoa sen tượng trưng cho lòng ước vọng cao sang, hạnh phúc trường tồn. Ý nghĩa đó cũng được nghệ thuật hóa chữ “Thọ” ở Bình phong hậu đầu thể hiện sự sáng tạo về mặt ý nghĩa cũng như tạo hình. Do đó di tích ngôi Mộ nầy là bằng chứng về đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc lăng mộ đương thời ở Quảng Ngãi hiếm hoi còn tồn tại đến ngày nay nên cần được nghiên cứu và bảo tồn. Di tích Mộ Trần Cẩm còn là một phần trong lịch sử buổi đầu của vùng đất nầy có từ thời cha ông đi khai phá đàng trong của chúa Nguyễn.
Đúng là: “ Khai khẩn tán trù thùy thế nghiệp, Hoài thu thịnh điểm thọ tân bi”.
Dịch “ Khai khẩn ruộng đất để lại cho đời, Ăn ở mềm dẽo là cách sống đúng được bia đá khắc ghi”
Là khu vực bất khả xâm phạm và được tô màu đỏ trên bản đồ địa chính. Trong khu vực nầy tuyệt đối cấm mọi sự xây dựng. Không một tổ chức hoặc cá nhân nào được tự ý tháo gỡ, thay đổi vị trí hoặc làm hư hại giảm giá trị vốn có của di tích. Khu vực nầy có diện tích: 1.130 m2 nằm trên thửa đất số T 153/1130. Có xác định rõ giới cận Đông, Tây, Nam, Bắc tại Tờ bản đồ số 1, HTX NN Đức Chánh như trên trong Biên bản Quy định khu vực bảo vệ: Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Mộ Trần Cẩm tại thôn Hoài An, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức.
2. Nhà thờ Trần Cẩm (Nhà thờ Thủy tổ Trần tộc Tiền hiền) toạ lạc tại làng Thi Phổ Nhì, nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, nằm phía nam đường liên xã từ cầu Phước Thịnh (quốc lộ số 1) đi bãi biển Minh Tân Nam (xã Đức Minh), cách quốc lộ chừng hơn 1 km, Theo lời kể, ký ức của con cháu họ Trần và nhân dân địa phương ở đây thì Nhà thờ nầy do con cháu họ Trần xây dựng cùng thời vớ Đình làng Địa Thi(Thi Phổ) ngày trước. Xây dựng lần đầu vào thế kỷ XVIII(năm 1725) để thờ bậc Tiền hiền Trần Cẩm. Ban đầu Nhà thờ có quy mô kiến trúc nhỏ, khung gỗ lợp tre, tranh, vách nứa. Mãi đến thế kỉ XIX. Nhà thờ được xây dựng lại trên nền cũ năm xưa nhưng diện tích lòng nhà được nới rộng hơn. Chất liệu bằng gỗ mít, đầu các vì kèo, xiên, trính được chạm trổ công phu, mái lợp ngói âm dương, song trải qua thời
gian mưa nắng và đặc biệt là trận bão năm 1937 đã làm phần mái và các bộ vì kèo hư hỏng nặng. Vì vậy năm 1938 Nhà thờ được đại tu kiên cố. Chất liệu bằng gạch, vôi mật theo mô tip kiểu kiến trúc cung điện( cột giả, tường hoa chắn mái) thay tường ván bằng tường gạch, vôi vữa, mật và bộ khung gỗ trong bằng cột giả gạch; thay hàng cột hiên trước bằng tường chắn mái với cửa vòm. (Hình 3)
Nhà thờ được xây cất trên khoảng đất rộng và cao ráo, trước mặt là cánh đồng Thi Phổ xưa do chính Đức Ông khai phá. Phía sau và bên là nhà của con cháu họ Trần tụ tập bao quanh. Sân Nhà thờ được bao bọc bởi khu vườn trồng các loại cây ăn quả và cây cổ thụ. Đan xen dưới những gốc cây là những cây kiểng, chậu hoa nhỏ tạo vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc với thiên nhiên cho khung cảnh ở đây. Trước cổng vào Nhà thờ là Dinh thờ Ngài Khởi Thỉ quản đội Trần Như Khóa là thân phụ Trần Cẩm. Qua dinh thờ 50 m là bước vào cổng tam quan xây theo kiểu vòm cuốn chất liệu bằng đá ong, vôi, mật mà mãi đến ngày nay vẫn còn vững chắc mặc dù đã trải qua hàng trăm năm. Trên vòm cổng đặt bản chương ghi chữ Trần Tiền Hiền Từ đường. Hai bên cổng cũng vẫn xây thành theo kiểu lan can bổ trụ. (Hình Không gian Nhà thờ nhìn từ cổng vào và Hình Không gian Nhà thờ nhìn từ trong ra cổng)
Ngay trước mặt cổng, chính giữa là Bình phong cao 1,4 m, rộng 2,18 m; trang trí mặt trước ở giữa đắp nỗi chữ Hán họ Trần, vòng tròn chung quanh đắp nổi hình hai linh vật Rồng, Phụng tranh Châu nối đầu, đuôi đuổi nhau chạm trổ công phu do thợ người Huế thực hiện, hông Bình phong trang trí các cây thực vật trường thọ trên nền cuốn thư: Trúc, Mai, Tùng, Bách, mặt bên trong của Bình phong vẫn giữ chữ Thọ như cũ và được nghệ thuật hóa hình tròn, đáy Bình phong trang trí hình kỷ hà(góc khay) với hoa văn uốn lượn làm tăng vẻ mỹ thuật và thanh nhã. ( Hình Mặt trước của bức Bình phong mới được tôn tạo lại sau khi đã bị hư hỏng nặng và Hình Mặt sau của bức Bình phong mới được tôn tạo lại sau khi đã bị hư hỏng nặng)
Bình phong làm nổi hẳn lên trong khung cảnh thanh bình, không gian thoáng đảng của Nhà thờ in rõ trên cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh với tầm nhìn từ cổng Nhà thờ đi vào Bình phong, Nhà thờ qua con đường bê tông dài, rộng hai bên đường là hai hàng hoa, cây cảnh đầy thơ mộng. Đi tiếp qua trụ cờ, sân bê tông là đến và nhà
bia tưởng niệm rồi đến Nhà thờ. Nhà thờ có diện tích nội thất 120 m2, kết cấu và vật liệu là gạch, vôi, mật. Kỹ thuật xây dựng tường gạch to bản, cột vuông vừa có tác dụng trang trí vừa chịu lực. Hệ thống cửa cuốn bố trí từ hiên vào trong các gian thờ thay cho cột và bộ vì kèo đã hư hỏng. Mặt trước tiền đường được nâng đỡ và cũng là trang trí bằng hàng cột hiên(có 6 cột hiên hình vuông) đối xứng từng đôi một vươn lê trỏ thành hàng hiên chống mái đồng thời cũng vừa tạo nên 5 cửa cuốn trong đó có 2 cửa chính đi vào và 3 cửa giả (một ở chính giữa và 2 ở bên chái). Bên trên hệ thống cửa giả vòm cuốn là tường hoa chắn mái chúng vừa có tác dụng che mưa nắng cho tàu mái và dãy hành lang trước cửa tòa nhà tạo nên không khí ấm cúng cho nội thất cũng vừa có tác dụng tạo ra cho công trình thêm bề thế, hoành tráng, uy nghi. Trên mặt tường hoa chắn mái, chính giữa trang tri bngr chương thượng với hàng chữ đắp nổi: Trần Tiền Hiền Từ Đường. Hai bê đối xứng nhau trang trí hình độc bình và bát kiết cùng với hoa cúc đắp nổi và gờ hình học chạy song song vuông góc với bát kiết tạo vẻ nhẹ nhàng thanh thoát cho mặt trước tiền sảnh. Mặt trước của hai hàng cột hiên giữa, từ hiên xuống trang trí đắp ghép sành 2 câu liễn đối với nội dung:
“ Sanh lương tướng, tử phúc thần anh linh vạn cổ. Hương Tiền hiền, Tộc Thủy tổ, sùng bái thiên thu “. Dịch: ( Sống là người Tướng giỏi, chết thành vị hiền Thần, hồn sáng chói muôn đời, với làng là Tiền hiền, với họ dòng là Thỉ tổ được tôn kính ngàn năm). Nội thất Nhà thờ chia làm 3 gian, bố trí 5 hương án thờ; Hương án chính điện thờ Đức Thủy Tổ Trần Cẩm, trên hương án thờ bày các đồ thờ như tam sự, ngũ sự, hòm đựng Sắc phong sơn son thép vàng và các đồ thờ quý như võng, lọng, kiếm, cung, đao cũng được sơn son thép vàng. Đối diện cửa hương án thờ là 2 cột giả, mặt trước treo đôi câu đối chữ Hán ca ngợi công đức của Người còn để lại hàng trăm năm sau cho Hậu duệ. Kế bên là 2 bàn thờ, bàn thờ bên trái thờ Biệt Tổ phái Trưởng và Biệt Tổ phái thứ; còn bàn thờ bên phải thờ Biệt Tổ phái Thứ Thứ và Biệt Tổ phái Quý. Hương án thờ hông phía phải thờ các vị gia tiên đệ Tam, đệ Tứ Thế tổ các phái. Còn hương án thờ hông phía trái thờ các vị gia nhân của Đức Thủy Tổ Trần Cẩm lúc sinh thời. Trên các hương án thờ còn được trang trí các hoành phi ghi lời dạy của Đức Ông để lại cho con cháu dòng họ tiếp nối nghiệp gia tiên cùng các hoành phi khác do dùng họ Hậu hiền phụng cúng.
Nhà thờ Đức Thủy Tổ Trần Cẩm mặc dù đã được xây dựng lại vào đầu thế kỷ XX và cũng được sơ tu vài lần nhưng vẫn giữ được nguyên dáng dấp của kiến trúc xưa cũ, có giá trị kiến trúc cao. Điều đáng chú ý là trong Nhà thờ còn giữ được khá nhiều di vật quý, các thư tịch cổ; đặc biệt trong đó có 7 đạo Sắc phong, 6 đạo thuộc đời Lê, một đạo thuộc đời Nguyễn. Trong số đó có các Sắc phong được truy phong cách đây 400 năm như đời Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng thứ 20 và 14 Chiếu chỉ do các vua chúa kế tiếp nhau phong tặng cách đây dưới 300 năm cùng các đồ thờ, hoành phi, Liễn, Đôi, hòm đựng Sắc phong tất cả được sơn son thép vàng, có giá trị cổ xưa. Trong đó đặc biệt có câu đối của Cụ Huyện Phúng anh ruột của Bác Phạm Văn Đồng cúng đã ghi tóm tắt sự nghiệp, công lao của Đức Ông đối với làng Địa Thi xưa như sau:
“ Hữu khai tất tiến, Trạch tại đương thời, ân thùy lai thế “
“ Vị đức kỳ thịnh, sanh tiền trọng vọng, một hậu phong Thần “
Dịch: ( Có công khai khẩn ắt được tôn phong là Tiền hiền, huệ lộc thì hưởng bây giờ, nghĩa để mãi đời sau. Làm việc lành thì được đỉnh phát, sống được kính trọng, sau khi mất được tôn phong làm Thần )
Các hiện vật nầy là bằng chứng trung thành, xác thực ghi dấu những công đức, tài trí mà Đức Thủy Tổ Trần Cẩm đã cống hiến cho dân, cho nước từ thời đó. Vào dịp tế tự (ngày Lễ Tế Thanh Minh và ngày tiết Đông chí), hòm sắc phong và các tế vật quý báu được các bậc cao niên trong dòng tộc mở ra cho con cháu xem, giảng giải ý nghĩa, nhắc nhở công đức thuỷ tổ, khuyên răn hậu thế con cháu của dòng họ noi theo gương sáng của các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn để lại hậu thế.
Khu vực đát xây dựng Nhà thờ ở Đức Thạnh có diện tích: 2.070 m2 nằm trên thửa đất số T 993/2070. Có xác định rõ giới cận Đông, Tây, Nam, Bắc tại Tờ bản đồ số 1, HTX NN Đức Thạnh. Tương tự như trên trong Biên bản Quy định khu vực bảo vệ: Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Nhà Thờ Trần Cẩm tại thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức.
3- Nhà thờ Biệt tổ Tứ phái ở Đức Tân
Nhà thờ toạ lạc tại làng Thi Phổ Nhất, nay là thôn 1, xã Đức Tân, giáp phía đông quốc lộ 1 A. Đây là nhà thờ 4 người con trai, đứng đầu bốn chi phái Hậu duệ của Ngài Trần Cẩm và cũng là những người kế tục sự nghiệp khai hoang, lập làng nối tiếp chí hướng của Ngài Thủy Tổ Trần Cẩm. (Hình Nhà thờ Biệt tổ Tứ phái ở Đức Tân nhìn từ ngoài Quốc lộ 1A vào trong Nhà thờ)
Nhà thờ được xây dựng năm 1820 tại làng Địa Thi, tọa lạc ở vị trí hẹp, phong quang, hợp phong thủy. Phía trước có dòng sông thoa uốn lượn, in hình những bóng cây ăn quả đại thụ của xóm làng san sát Thi Phổ. Phía Nam là Nhà lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng cùng nằm trên cánh đồng Thi Phổ bát ngát. Phía Bắc là chợ Thi Phổ. Quy hoạch vị trí xây dựng Nhà thờ người đương thời đã tạo nên sự hài hòa giữa kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên, cuộc sống dân dã, gần gũi với đồng quê thanh bình. Đường vào Nhà thờ phải qua 1 cổng gồm 2 trụ biểu xây cao hơn 3 m, đầu trụ biểu gắn bản chương đắp nổi chữ: Từ Đường Biệt Tổ Tứ Phái Trần Tộc Tiền Hiền. Tiếp theo cổng là Bình phong, chất liệu tạo nên là vôi, mật, gạch, vữa. Mặt trước Bình phong đắp nổi tạc hình con eo ngồi, thân mập mạp, mặt ngoảnh ra trước, hai bên Bình phong là hai trụ biểu xây cao 3 m, đỉnh trụ trang trí con Lân tượng trưng cho sức mạnh trên cao, sự hiểu biết, kiểm soát tâm linh của con người khi bước vào Nhà thờ. Tiếp sau Bình phong qua một sân gạch có nhiều chậu hoa, cây kiểng đẹp là đến Nhà thờ.
Nhà thờ có tổng diện tích nội thất 110 m2, kiến trúc theo kiểu chữ “ Nhất”, toàn bộ vật liệu làm bằng gỗ mít được kén chọn rất cẩn thận từ kích thước đến độ già của gỗ do các hiệp thợ giỏi của Mộ Đức thiết kế, thi công. Kỹ thuật xây dựng theo kiểu nhà kèo rường Quảng Ngãi. Kết cấu kẻ truyền ( còn gọi là kẻ long nhất, kẻ long nhì, kẻ long ba). Kết cấu bộ khung gỗ chịu lực gồm 24 cột, trong đó có 8 cột cái, 16 cột quân và 8 kẻ (4 bộ vì kèo) gác chéo nhau theo chiều dốc mặt mái, ăn mộng với nhau ở đỉnh vì kèo, đỡ thượng lương (đòn dông) rồi chạy xuống ăn mộng én qua đầu cột cái và kẻ nầy dừng lại ở đó. Rồi từ kẻ nầy nối dài xuống đầu cột quân(cột vách) bằng một kẻ thứ hai, gọi là kẻ long nhì tức kiểu kẻ chuyền. Điểm tiếp nối giữa hai vì kèo(kẻ) được thực hiện đầu kèo dưới chồng lên đuôi kèo trên rồi cùng ăn mộng én (mộng mang thất) qua đầu cột cái theo kiểu miệng kèo họng cột. Thân mỗi kẻ trên phần lưng đỡ một ván nong dày hay còn gọi là gáy Rồng, có khoét các ổ làm chỗ đứng chân cho các hoành mái. Các cột trốn (trỏng) đứng trên trính (4 trính) vươn lên đỡ giao nguyên nhưng đầu cột không chống thẳng vào hai kẻ ở giao nguyên mà đầu cột đỡ một ván nong dài hình choải cánh dơi, vươn sang hai bên, ăn mộng vào bụng hai kẻ. Cột trốn ở đây được nghệ thuật hóa rất tinh xảo, giống như hình nậm rượu. Chiếc đầu kê ở chân cột trốn cũng được chạm trổ rất công phu, giống hình đuôi ốc. Liên kết các cột theo chiều ngang không được thực hiện ở đầu cột cái bằng câu đầu như vì nóc kiểu giá chiêng trong kiến trúc nhà ở đồng bằng Bắc bộ mà ở một vị trí thấp hơn bằng các tính (4 trính) có lưng và dạ cong đều lên ở phần giữa, được bào xoi chỉ vỏ măng hay còn gọi là kiểu lá dứa. Hai đầu trính được thu nhỏ lại chút ít và được chạm trổ hình đuôi sam, con ốc và ăn mộng xuyên qua cột cái. Liên kết các cột theo chiều dọc ở đây được thực hiện bằng các xuyên (8 xuyên) trong đó có 4 xuyên tiền và 4 xuyên hậu tất cả đều được bào xoi chỉ vỏ măng. Đầu của các xuyên được ăn mông xuyên qua đầu cột cái ở chỗ phía bên trên chỗ liên kết giữa trính và cột , theo lối ngoặm sít vào thân đầu cột và đóng mộng chốt ở đàu các xuyên.
Như vậy kiến trúc liên kết kèo – kẻ ở Nhà thờ nầy được nâng đỡ bởi các cột mà không có các cấu kiện phức tạp khác như kiến trúc ở đồng bằng Bắc bộ và đây cũng chính là kiểu liên kết nhà kèo tiêu biểu, đặc trưng cho kiến trúc trên địa bàn Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung. Riêng ở 4 cột góc thuộc hệ thống cột cái, đầu các họng cột nầy không chỉ tra buông kèo mái mà được tra thêm kèo vào kèo quyết và kèo đấm do đó sự liên kết ở đây rất phức tạp và tinh vi, bảo đảm có thể đủ lực đỡ góc mái bên trên ( ở đây 3 kèo lắp theo 3 chiều không gian cùng ăn mộng ở đầu cột cái góc nên mộng nầy có độ chính xác rất cao, đủ sức giữ đầu các vì kèo bên trên nhưng lại tạo nên hình đẹp, thanh thoát). Hệ thống cột đỡ vì kèo và mái bên trên (4 mái) gồm có 8 cột cái, 16 cột quân và 16 cột hiên song các cột hiên được thay thế bằng cột gạch ở lần trùng tu, tôn tạo năm 1941. Chân các cột cái đều được đứng chân trên tảng bằng đá, chân tảng được chạm khắc công phu, tinh xảo hình cánh hoa sen. Đặc điểm đáng chú ý là hệ thống cột cái ở đây đều choải chân theo cách thượng thu hạ thách, vừa bảo đảm tư thế vững chắc của hệ thống cột, vừa làm cho bộ khung hình hộp không biến dạng, tăng độ bền cho cả công trình. Trong hệ thống vì kèo kẻ chuyền ở đây chỉ có kẻ lòng nhất và kẻ lòng nhì ở đuôi, các vì kèo kẻ lòng nhì nầy người thợ đã tập trung chạm trổ rất công phu hình chữ Thọ, cách điệu trong một hình tròn vừa tạo nên vẻ đẹp độc đáo, đặc sắc vừa tạo sự nhẹ ngành, thanh thoát cho các vì kèo. Kẻ lòng ba nối cột vách và cột hiên trong lần trùng tu năm 1941 được thay thế bằng con sơn (kèo cầu – đấm) nằm ngang, một đầu ăn mộng chuôi qua cột vách còn đầu kia gát trên cột hiên. Hàng cột nầy cũng trong lần trùng tu năm 1941 được thay thế cột gạch hình ống theo cặp đối xứng nhau tọ nên hangdf hiên và tường hoa chắn mái. Trên con sơn qua một đầu kê đỡ một kèo ngắn xinh xắn, chạm trổ công phu đỡ hoành mái, trên đó là hệ thống máng xối hứng nước mưa từ mái nhà trước và từ tường hoa chắn mái chảy xuống rồi dẫn nước ra các lối thoát ở đầu cột hiên. Kết cấu con sơn thay cho kẻ lòng ba vừa có tác dụng đưa diềm mái vươn ra xa cột quân, nới rộng hiên hành lang, tăng ánh sáng cho phần nội thất, tạo cho tòa nhà cao lên, thêm bề thế, vững chắc nhưng vẫn giữ được vẻ cổ xưa và cũng để che gió mưa, bảo vệ đầu các vì kèo và hệ thống cửa bàn khoa khỏi bị hư hại.
Trong khi phần vách hiên sau và vách hiên chái được thay thế bằng tường gạch trong lần trùng tu năm 1941 thì phần vách hiên trước vẫn còn giữ nguyên vách ván với hệ thống lớp cửa bàn khoa. Lớp cửa bàn khoa nầy gắn vào 3 khuôn ứng với lối vào 3 gian, mỗi khuôn có 3 cánh, trên có con nắm (mắc cửa) gồm 2 cái, bên trong mắc cửa dung làm chốt tra then cài. Mặt bên ngoài được chạm khắc hình hoa cúc, tượng trưng cho sự cầu phúc, xua tan âm khí trừ tà, mỗi một cánh cửa đều có trụ ngỏng tra vào ngạch dưới và trên của khuôn cửa. Ba cánh cửa của mỗi khuôn cửa ngoài 5 bản ô hộc được trang trí ở hai phần ba cánh cửa từ trên xuống, bên trên còn được trang trí chạm thủng hình chưa Thọ, hình ngũ quả, chân bát bửu nằm trong vòng tròn viên mãn, viền ngoài chạm nổi hình ngũ phúc (5 con dơi) được nghệ thuật hóa rất đẹp, gắn liền phía bên trên khuôn cửa là hệ thống bản lồng ghép vào nhau được bào xoi chỉ vỏ măng cân đối.
Ngoài hệ thống cửa bàn khoa, ở mặt trước còn trang trí 2 cửa sổ ở hai bên, mỗi một cửa sổ gồm 4 hoa cúc chạm thủng ghép vào nhau gắn vào khung cửa cố định, không mở ra vào được, chỉ có tác dụng vừa trang trí vừa đủ ánh sáng thiên nhiên lọt vào trong gian thờ.
Mái của Nhà tờ thẳng, không có tàu đao cong lên như các đỉnh chùa và được lợp ngói đất, đỉnh bờ mái trang trí theo mô tip lưỡng Long chầu Nguyệt, hai đầu của đầu hồi không trang trí mà chỉ đắp thẳng.
Bên trong nội thất Nhà thờ trong khi mặt dưới mái sau để lộ tất cả bộ tường gỗ đầu các vì kèo , xuyên, trính được chạm khắc rất đẹ

  • Trang chủ